Vaccine

Vaccine không phải là chất diệt khuẩn, tuy nhiên vaccine có thể coi là “chất diệt khuẩn gián tiếp” và hiệu quả trong việc tiêu diệt virus mà kháng sinh không làm được. Vì vậy cũng có đôi dòng về chất “diệt khuẩn gián tiếp” này.

Trong cơ thể, có các kháng thể (antibody), còn được gọi là globulin miễn dịch. Chúng là các các phân tử hình chữ Y, là các protein được sản xuất bởi cơ thể giúp chống lại các chất lạ xâm nhập vào cơ thể (các chất lạ gọi kháng nguyên - antigen). Khi các chất lạ (hóa chất hay vi khuẩn) xâm nhập cơ thể, cơ thể nhận ra chúng và tạo ra các kháng thể để tiêu diệt chúng. Các kháng nguyên là bất kỳ chất nào kích thích hệ thống miễn dịch để tạo kháng thể. Như vậy giữa kháng nguyên và kháng thể có mối liên hệ chặt chẽ: có kháng nguyên thì sẽ có kháng thể.

Louis Pasteur, từ những năm 80 của thế kỷ XIX, đã cứu sống hàng nghìn người bị chó hoang mang virus dại cắn nhờ phương pháp vaccine mà ông tạo ra. Đây là cơ chế diệt khuẩn sinh học: Kích thích con người tạo ra kháng thể để diệt khuẩn thâm nhập. Phương pháp này rất hiệu quả để diệt virus mà kháng sinh ít tác dụng.

Vaccine là chế phẩm có chứa kháng nguyên (các chất lạ đối với cơ thể như là các virus hoặc vi khuẩn sống đã bị giảm độc lực, hay bị bất hoạt, bị giết chết). Các chất lạ này kích thích cơ thể tạo miễn dịch, đặc hiệu, chủ động, nhằm chống lại tác nhân gây bệnh. Vaccine kích thích cơ thể tạo nên “miễn dịch nhân tạo” tức là tạo kháng thể theo ý muốn để chống lại một bệnh cụ thể mà người bệnh mắc phải. Vaccine có chứa tác nhân gây bệnh đã được làm yếu đi hoặc đã bị bất hoạt, nên nó không thể gây bệnh. Tuy nhiên vaccine có thể gây nên sự phản ứng của cơ thể như sốt nhẹ, đó là các biểu hiện bình thường khi cơ thể “tập luyện” để chống lại các “vật lạ” (vi khuẩn thực) khi chúng thâm nhập vào cơ thể. Khi vaccine được đưa vào cơ thể, cơ thể sẽ nhận diện nó như là “vật lạ”, kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể phá hủy “vật lạ” đó, tức là tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Quá trình tạo kháng thể thường mất khoảng vài tuần và có thể gây nên một số triệu chứng nhẹ như sốt. Sau khi quá trình “nhiễm trùng nhân tạo” này kết thúc, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào lympho B, T (một loại bạch huyết bào) có khả năng nhớ miễn dịch, sẵn sàng đáp ứng nhanh khi gặp lại các tác nhân gây bệnh thực trong tương lai, giúp cho cơ thể chủ động sẵn sàng chống lại tác nhân gây bệnh khi bị phơi nhiễm.